Hội chứng hậu COVID-19 và những điều bạn cần biết

Từ khi xuất hiện, COVID-19 đã trở thành một mối lo ngại lớn của cộng đồng. Hiện nay, việc tiêm ngừa vắc-xin được bao phủ rộng rãi, các triệu chứng bệnh đã giảm nguy cơ trở nặng nhưng không vì thế mà mọi người lơ là với nguy cơ lây nhiễm.

Mặc dù, hầu hết những người bị COVID-19 đều hồi phục trong vòng vài tuần sau khi bị nhiễm bệnh, nhưng một số người lại gặp phải các tình trạng sức khỏe hậu COVID-19 (Hội chứng hậu COVID-19). Hội chứng hậu COVID-19 là một loạt các vấn đề sức khỏe mới, đã và đang diễn ra mà mọi người có thể gặp phải sau bốn tuần bị nhiễm vi-rút COVID-19.

Ngay cả những người không có các triệu chứng COVID-19 sau vài tuần bị nhiễm bệnh cũng có thể mắc Hội chứng hậu COVID-19. Hội chứng này có thể biểu hiện dưới các dạng khác nhau và sự kết hợp của các vấn đề sức khỏe trong các khoảng thời gian khác nhau.

Nhiều câu hỏi được đặt ra như Hội chứng hậu COVID-19 kéo dài bao lâu? Có thể được chữa khỏi nhanh chóng không? Làm thế nào để hạn chế nguy cơ? Hãy cùng Pacific Cross Việt Nam giải đáp qua bài viết dưới đây.

hội chứng hậu COVID
Các tình trạng sức khỏe hậu COVID-19 có thể xảy ra với người không có triệu chứng trong thời gian nhiễm bệnh

 

Hội chứng hậu COVID-19 là gì?

Hội chứng hậu COVID-19 là một hội chứng được đặc trưng bởi sự tồn tại của các triệu chứng lâm sàng sau bốn tuần kể từ khi bắt đầu các triệu chứng cấp tính.

 

Các tình trạng sức khỏe hậu COVID-19?

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) đã xây dựng “các tình trạng sức khỏe hậu COVID-19” để mô tả các vấn đề sức khỏe kéo dài hơn bốn tuần sau khi bị nhiễm COVID-19. Bao gồm:

 

1. COVID-19 kéo dài (Hội chứng dai dẳng COVID-19)

Bao gồm các triệu chứng kéo dài hàng tuần đến hàng tháng và có thể xảy ra với bất kỳ ai đã mắc COVID-19, dù tình trạng bệnh của họ nặng hay nhẹ, có triệu chứng hoặc không triệu chứng. Các biểu hiện có thể bao gồm:

  • Ho, khó thở hoặc hụt hơi
  • Mệt mỏi, chóng mặt, trầm trọng hơn sau khi hoạt động thể chất hoặc tinh thần
  • Khó suy nghĩ hay mất khả năng tập trung
  • Đau ngực, đau cơ, đau đầu hoặc đau dạ dày
  • Đánh trống ngực
  • Các vấn đề về giấc ngủ
  • Sốt
  • Tiêu chảy
  • Phát ban
  • Cảm giác tê râm ran
  • Chóng mặt
  • Thay đổi vị giác, tâm trạng

 

2. Tác động đa cơ quan của COVID-19

Có một số nhận định cho rằng khi một người mắc COVID-19, cơ thể của họ xảy ra các tình trạng tự miễn. Nghĩa là, hệ miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh do nhầm lẫn, gây nên tình trạng viêm hoặc tổn thương mô ở những bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng.

Bệnh nhân có thể sẽ gặp phải các ảnh hưởng đa cơ quan hoặc bệnh tự miễn dịch kéo dài, đi kèm các triệu chứng trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau khi mắc COVID-19. Ảnh hưởng đa cơ quan tác động đến hầu như toàn bộ hệ thống cơ thể, bao gồm các chức năng tim, phổi, thận, da và não.

Đặc biệt, ở một số người có các bệnh lý nền trước đó, ảnh hưởng này càng làm cho tình trạng bệnh trầm trọng thêm. Có thể, các biểu hiện sẽ không rõ rệt nhưng chúng diễn tiến âm thầm như “một quả bom hẹn giờ”. Một số tình trạng có thể xảy ra sau đó bao gồm ngừng tim, đột quỵ, suy tim, thuyên tắc phổi, viêm cơ tim và bệnh thận mãn tính.

3. Ảnh hưởng của việc điều trị/ nhập viện COVID-19

Việc nhập viện và can thiệp máy thở là cần thiết nếu tình hình của bệnh nhân trở nặng. Tuy nhiên, việc này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến một loạt Hội chứng hậu COVID-19.

Có thể nói, bệnh viện và các phòng khám là nơi tập trung của nhiều vi khuẩn, vi-rút gây bệnh, đa số chúng đã có khả năng kháng thuốc. Nếu bệnh nhân phải can thiệp phẫu thuật hoặc nằm viện trong một một thời gian dài, có thể họ sẽ bị tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện hoặc viêm phổi bệnh viện, gây khó khăn trong việc điều trị.

Ngoài ra, những bệnh nhân được nhận vào các đơn vị chăm sóc đặc biệt có thể gặp phải Hội chứng sau chăm sóc đặc biệt (PICS) – một tình trạng mà các vấn đề sức khỏe vẫn còn sau khi bệnh nặng – nguy cơ xuất hiện ở người bệnh mắc COVID-19 thể nặng trong giai đoạn hồi phục.

 

4. Ảnh hưởng của hội chứng hậu COVID-19 đối với trẻ em và thanh thiếu niên

Tương tự như người lớn, trẻ em và thanh thiếu niên cũng có thể mắc Hội chứng hậu COVID-19 từ nhẹ đến nặng. Song, tình trạng này dường như ít phổ biến hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, ở trẻ em, các hệ thống các cơ quan còn đang phát triển, khi xảy ra thương tổn chúng sẽ dễ dàng hồi phục hơn. Còn ở người trưởng thành và người cao tuổi thì hệ thống các cơ quan đang ở giai đoạn lão hóa và khó có thể trở lại trạng thái ban đầu sau khi chịu tác động.

 

Hội chứng hậu COVID-19
Hội chứng hậu COVID-19 vẫn có thể xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên

 

5. Ảnh hưởng về tâm lý

Khi bị nhiễm COVID-19, bên cạnh sức khỏe thể chất thì tâm lý chúng ta cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Theo Báo Sức khỏe Đời sống thống kê, các chứng rối loạn tâm thần như rối loạn lo âu, stress, sang chấn, rối loạn thích ứng hoặc rối loạn thích ứng với trầm cảm thường hay xuất hiện trong đại dịch.

Nguyên nhân là do bệnh nhân phải chứng kiến những cảnh thập tử nhất sinh của người thân, các nhân viên y tế và nhiều người xung quanh. Một số khác trải qua giai đoạn cách ly kéo dài cùng với thất nghiệp và sự thiếu thốn về vật chất.

Các chứng rối loạn này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, khả năng lao động của bệnh nhân, khiến chất lượng sống của họ giảm sút đáng kể.

 

Tình trạng này có phổ biến không và kéo dài bao lâu? (Dịch tễ học di chứng COVID-19)

Hiên nay, tỉ lệ và thời gian mắc các Hội chứng hậu COVID-19 chưa được ghi nhận đầy đủ. Tuy nhiên, theo kết quả sơ bộ từ một cuộc khảo sát của Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh, khoảng 10% người được khảo sát (có kết quả dương tính với COVID-19) biểu hiện các hội chứng trong khoảng 12 tuần hoặc hơn. Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác ở Mỹ cho thấy 30% bệnh nhân COVID-19 vẫn còn các triệu chứng dai dẳng sau 9 tháng hồi phục.

 

Liệu chúng ta có thể hạn chế nguy cơ bị hội chứng hậu COVID-19?

Ngăn ngừa COVID-19 là cách tốt nhất để tránh sự phát triển của các vấn đề sức khỏe hậu COVID-19.

Tiêm phòng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng, nhập viện và tử vong. Vì vậy, tất cả những người đủ điều kiện nên tiêm phòng khi đến lượt. Các biện pháp y tế công cộng như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và rửa tay vẫn là điều cần thiết trong giai đoạn hậu COVID-19.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học nổi tiếng The Lancet ngày 01/9 cho biết, tiêm phòng đầy đủ sẽ giảm 50% nguy cơ mắc các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Trang web chính thức của CDC Hoa Kỳ cũng khuyến cáo mọi người nên tiêm phòng đầy đủ để ngăn ngừa hội chứng này.

hội chứng hậu COVID-19
Tiêm phòng đầy đủ sẽ giảm 50% nguy cơ mắc các triệu chứng COVID-19 kéo dài

 

Những người đã hồi phục sau COVID-19 nên:

  • Tập thể dục: Người bệnh nên vận động nhẹ nhàng (đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ nhàng, đạp xe chậm, tập luyện), hạn chế làm việc nặng, làm việc nhẹ nhàng tăng dần cường độ, giúp giải tỏa căng thẳng.
  • Tập thở: hít vào, thở ra từ từ, hít vào sâu dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vàng và nhịp độ tăng dần từng ngày, điều này sẽ giúp điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thể.
  • Dinh dưỡng: Người bệnh cần tránh những thức ăn khó tiêu, nhiều dầu mỡ, nhiều chất béo, không nên ăn sau 7 giờ tối. Ngoài ra, cần hạn chế uống trà, cà phê buổi tối, ăn nhiều rau, hoa quả, nước mát, uống đủ 1,5-2 lít nước và chia nhiều bữa nhỏ trong ngày.
  • Tinh thần: Các thành viên trong gia đình nên khuyến khích họ tham gia các hoạt động cùng người thân như chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp nhà cửa. Đặc biệt, đối với người cao tuổi, họ trò chuyện với các thành viên trong gia đình và được người thân yêu thương động viên; sự trợ giúp sẽ giúp giảm lo lắng và kích thích hoạt động của não sau khi phục hồi từ COVID-19.
  • Tuân thủ 5K: Ngay cả khi đã khỏi bệnh và âm tính, người bệnh vẫn nên tuân thủ nghiêm ngặt 5K để phòng bệnh. Cần hạn chế nhìn vào màn hình điện thoại/ thiết bị điện tử liên tục trong ngày.
Quy tắc 5K
Quy tắc 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung

 

Điều trị Hội chứng hậu COVID-19 ra sao?

Nếu gặp phải Hội chứng hậu COVID-19, bạn nên thăm khám bác sĩ. Pacific Cross Việt Nam không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

 

Điều trị cá thể hóa và sự tiếp cận liên chuyên khoa

Như đã mô tả, Hội chứng hậu COVID-19 có thể được xem là một rối loạn đa cơ quan, biểu hiện chung với các triệu chứng về hô hấp, tim mạch, huyết học và tâm thần kinh đơn độc hoặc kết hợp. Do đó, liệu pháp điều trị nên được cá thể hóa và cần có sự tiếp cận liên chuyên khoa để hướng đến việc giải quyết các khía cạnh lâm sàng cũng như tâm lý của các rối loạn này.

Hiện nay, việc nhận thức về Hội chứng hậu COVID-19 được nâng cao, nhiều bệnh viện lớn trên khắp cả nước đã và đang thành lập các trung tâm, phòng khám hậu COVID-19 nhằm tối ưu hóa việc điều trị các hội chứng này.

 

Điều bệnh nhân cần lưu ý

Bệnh nhân sau khi điều trị khỏi COVID-19  nên tiếp tục quan tâm đến sức khỏe và lắng nghe cơ thể của mình. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, dù nhẹ, bệnh nhân nên đến Bác sĩ chuyên khoa để khám tầm soát nhằm phát hiện sớm các hội chứng này, đặc biệt, những bệnh nhân có các bệnh lý nền trước đó như đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh thận mãn tính,… Vì khi phát hiện ra các Hội chứng hậu COVID-19 trong giai đoạn sớm, việc điều trị sẽ đơn giản hơn và có thể hạn chế được các tổn thương nghiêm trọng về lâu dài.

 

 

Mong rằng bài viết trên cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích và cần thiết về Hội chứng hậu COVID-19. Nếu bạn quan tâm đến sức khỏe và muốn đầu tư cho mình và người thân một kế hoạch đảm bảo lâu dài, bạn có thể tham khảo các chương trình bảo hiểm của Pacific Cross Việt Nam. Chúng tôi là nhà bảo hiểm hàng đầu với 60 năm kinh nghiệm hoạt động trong thị trường bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm du lịch quốc tế. Cho dù là chương trình bảo hiểm cho cá nhân, gia đình hoặc doanh nghiệp của bạn, chúng tôi sẽ luôn hỗ trợ, tư vấn tận tâm để đảm bảo rằng bạn tìm được sản phẩm bảo hiểm tốt nhất.

Nếu bạn chưa chắc chắn về chương trình bảo hiểm nào phù hợp với nhu cầu của mình, hãy sử dụng Chương trình Lựa Chọn Bảo Hiểm của chúng tôi hoặc liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí qua email: inquiry@pacificcross.com.vn.

 

Bài viết được thực hiện với sự tham vấn từ Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Khắc Lương Quang

 

 

Nguồn tham khảo:

https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/long-term-effects/index.html

https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/long-term-effects/index.html#print