Đến ngày 18-7, cả nước ghi nhận 113.400 ca sốt xuất huyết. Trong đó, 39 trường hợp đã tử vong. Tại Tp.HCM ghi nhận 24.914 ca, tăng 216% so với năm 2021. Dự đoán số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; nới lỏng giãn cách xã hội và gia tăng hoạt động giao lưu đi lại, tăng tập trung đông người nên số mắc có nguy có gia tăng, lan rộng nếu không quyết liệt phòng chống.
Sốt xuất huyết là gì?
- Bệnh xảy ra phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới do vi rút Dengue gây ra và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.
- Có 4 chủng huyết thanh: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Người bệnh có thể nhiễm 1 đến 4 chủng vi rút và miễn dịch với chủng đó suốt đời.
- Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm và cao điểm nhất là vào mùa mưa,
- Sốt xuất huyết có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em, bệnh gây sốt cao, mệt mỏi, đau nhức xương, rối loạn đông máu, xuất huyết, giảm huyết áp đột ngột.
- Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh trở nặng thậm chí tử vong.
Sốt xuất huyết lan truyền như thế nào?
Muỗi lây bệnh sốt xuất huyết thường gặp ở đâu?
- Các khu vực dân cư, đặc biệt là khu vực thành thị
- Muỗi thường đốt vào ban ngày, tập trung vào sáng sớm hoặc chiều tối
- Đẻ trứng trong các thùng chứa nước trong nhà hoặc khu vực xung quanh
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có mấy mức độ?
Mức độ 1: Phần lớn các trường hợp điều trị ngoại trú và theo dõi y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và theo dõi y tế chặt chẽ, phát hiện sớm sốc xảy ra và điều trị y tế kịp thời.
Mức độ 2: Sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo (người bệnh được cho nhập viện điều trị)
Mức độ 3: Sốt xuất huyết nặng (người bệnh phải được nhập viện điều trị cấp cứu). Mức độ này bao gồm sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, xuất huyết nặng, suy tạng nặng.
Vì sao trẻ em dễ mắc sốt xuất huyết hơn người lớn?
So với người lớn, trẻ em có tỉ lệ sốt xuất huyết cao hơn là do
- Trẻ thường chưa có ý thức phòng chống muỗi đốt.
- Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên trẻ thường bị nhiễm bệnh.
SXH ở trẻ em có biểu hiện như thế nào?
- Sốt cao đột ngột, liên tục kéo dài từ 2-7 ngày kèm theo mặt đỏ phừng, xuất huyết dưới da, đau đầu, nhức mỏi.
- Một số trẻ kèm theo đau họng, viêm kết mạc, mệt mỏi buồn nôn và nôn.
- Trong giai đoạn khởi phát bệnh không có triệu chứng đặc hiệu, khó phân biệt với các loại nhiễm vi-rút. Vì vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ, cần đến cơ sở y tế để được khám, theo dõi, điều trị kịp thời.
Biểu hiện của sốt xuất huyết có gì gì khác với sốt siêu vi?
Sốt siêu vi:
- Sốt cao đột ngột: 39-40 độ C. Trẻ thường mệt mỏi, quấy khóc và đáp ứng kém với thuốc hạ sốt như paracetamol. Trẻ có thể bị co giật do sốt cao.
- Viêm đường hô hấp trên: ho, chảy mũi,…
- Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn,…
- Nổi hạch: xuất hiện hạch vùng đầu mặt cổ, đau, sờ thấy kích thước lớn hơn bình thường.
- Viêm kết mạc mắt: Mắt đỏ, chảy nước mắt
- Nổi ban trên da: xuất hiện sau sốt 2-3 ngày.
- Bệnh thường tự khỏi sau khoảng 7 ngày.
Sốt xuất huyết:
- Sốt cao đột ngột, liên tục từ 39-40 độ C
- Chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau bụng
- Ban xung huyết và/ hoặc xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm chỗ tiêm, chảy máu cam, nôn ra máu.
Sốt xuất huyết ở người lớn khác với ở trẻ em như thế nào?
- Người lớn: sốt kéo dài 7 ngày hoặc hơn, kèm theo dấu hiệu xuất huyết da, chảy máu mũi, tiêu tiểu ra máu, ói ra máu… và xuất huyết kéo dài hơn sau ngày 7
- Sốc ở người lớn lại nhẹ hơn trẻ em và tỉ lệ tái sốc ít.
- Tỉ lệ xuất huyết nặng ở người lớn 5,0% (trẻ em 6,2%):
- Xuất huyết âm đạo 52,8% (trẻ em 0%),
- Chảy máu chân răng 48,3% (10,4%),
- Xuất huyết tiêu hóa 41,7% (16,7%),
- Chảy máu mũi 16,7% (6,3%),
- Xuất huyết sau ngày thứ 7 là 40% (8,3%).
Các biến chứng của sốt xuất huyết ra sao?
Suy tim, suy thận
Do xuất huyết liên tục, làm rối loạn hệ thống tuần hoàn dẫn đến suy tim. Khi tim không đủ sức bơm máu, dịch huyết tương xuất hiện liên tục sẽ khiến màng tim bị tràn dịch, gây ứ đọng, gây suy giảm, xuất huyết cơ tim.
Thận cũng làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương qua nước tiểu dẫn đến suy thận cấp.
Sốc do mất máu
Do thoát huyết tương và cô đặc máu sẽ gây sốc khiến máu bị đẩy ra ngoài. Gây ra các triệu chứng như chảy máu cam, chảy máu chân răng… bệnh nhân sẽ bị xuất huyết nội tạng với biểu hiện: nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, ra máu âm đạo bất thường, rong kinh…
Xuất huyết não
Bệnh nhân SXH nặng là tiểu cầu giảm. Đây là tình trạng rất nguy hiểm. Bởi nếu tiểu cầu bị giảm mà bệnh nhân không được truyền kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, dễ tử vong.
Tràn dịch màn phổi
Huyết tương trong cơ thể bị tràn sẽ xâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoặc phù phổi cấp. Nếu không được cấp cứu, tính mạng của người bệnh bị đe dọa.
Hôn mê
Huyết tương có thể ứ đọng trong màng não qua các thành mạch gây phù não và các hội chứng thần kinh dẫn đến hôn mê. Ngoài ra, một số trường hợp hôn mê thứ phát sau sốc, sau xuất huyết nội tạng, sau suy tim thận cấp, …
Sinh non, sẩy thai xảy ra ở phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao với nhiều biến chứng nguy hiểm như: sẩy thai, đẻ non, thai chết lưu. Thai phụ có thể bị tiền sản giật, tổn thương đến chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ.
Làm thế nào để chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà?
- Cho bệnh nhân ghỉ ngơi tại giường, tránh hoạt động mạnh
- Cho bệnh nhân uống nhiều nước, có thể dùng dung dịch oresol.
- Thường xuyên kiểm tra thân nhiệt. Cho bệnh nhân uống thuốc hạ sốt Paracetamol khi sốt cao > 38,5ºC. Có thể dùng khăn ấm để lau trán và nách của bệnh nhân.
- Không nên cho bệnh nhân uống Aspirin hoặc Ibuprofen vì tăng nguy cơ xuất huyết
Về dinh dưỡng, cần chú ý:
- Tăng số lần ăn trong ngày, giảm lượng thức ăn mỗi bữa.
- Tránh thức ăn có màu nâu, đỏ, nước uống có gas.
Nên đi tái khám thường xuyên theo lời dặn của bác sĩ. Nếu có sốt cao co giật, li bì, nôn ra máu, đi ngoài phân đen… hãy đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay.
Khi nào cần đưa bệnh nhân sốt xuất huyết vào viện?
Bệnh nhân cần được nhập viện khi có các dấu hiệu sau:
- Không ăn uống được, nôn ói nhiều
- Đau bụng nhiều hơn
- Tay chân lạnh, ẩm
- Cảm thấy khó chịu nhiều hơn mặc dù đã giảm hoặc hết sốt
- Mệt mỏi người li bì, bứt rứt, thay đổi hành vi
- Chảy máu mũi, ói ra máu, xuất huyết âm đạo bất thường, có máu lẫn ở trong phân, tiêu phân đen
- Trên 6 giờ không tiểu tiện
- Bệnh lý nền, thừa cân, nhà xa hoặc người nhà không có khả năng theo dõi và chăm sóc
Khi bị sốt xuất huyết nên ăn uống như thế nào?
-
Uống nhiều nước
Bù nước để đáp ứng lại lượng nước đã mất đi. Có thể là nước uống hoặc điện giải như uống oresol. Các loại nước ép trái cây như cam, bưởi, chanh hoặc nước dừa, nước ép từ một số loại rau xanh như rau má,…. giúp tăng cường sức đề kháng, giúp thành mạch bền tốt hơn.
-
Ăn các thức ăn lỏng
Ăn thức ăn lỏng và mềm như cháo, súp,… Các loại cháo cá, lươn, thịt cũng thích hợp cho người bệnh khi bị sốt xuất huyết. Nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa. Không nên ép con ăn quá no, cho con ăn vừa phải theo nhu cầu cơ thể của bé.
-
Ăn bù sau khỏi bệnh
Khi khỏi bệnh thì ăn uống bình thường và nên ăn bù để bổ sung chất dinh dưỡng trong thời gian bị ốm. Khi ốm dậy cơ thể người bệnh vẫn mệt mỏi, chán ăn, người nhà cần kiên trì nấu các món ăn ngon miệng và ưu tiên các món ăn giàu dinh dưỡng.
Bệnh sốt xuất huyết có cần kiêng cử gì không?
- Không nên cạo gió, cắt lễ vì sẽ làm đau và gây chảy máu, nhiễm trùng.
- Không tự ý uống thuốc mà không đi khám bệnh vì có thể bỏ sót các triệu chứng nặng của trẻ và khiến chủ quan
- Không nên uống những loại nước có màu đen hoặc đỏ như Coca, Pepsi, Xá xị… vì có thể gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa
- Không dùng hạ sốt bằng Aspirin, Ibuprofen (vì dễ gây xuất huyết nặng)
- Không cho trẻ sốt xuất huyết truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện vì nguy cơ sốc dịch truyền hoặc bỏ sót các triệu chứng nặng của bênh.
Tôi có thể làm gì để giảm nguy cơ sốt xuất huyết?
- Biện pháp phòng ngừa tốt nhất là loại bỏ những khu vực hay có muỗi đẻ trứng ở trong nhà và ngoài trời
- Các vật dụng chứa nước cần được che đậy và loại bỏ đúng cách
- Các thùng chứa nước thiết yếu nên được làm cạn, làm sạch và cọ rửa ít nhất mội lần một tuần
Tôi có thể bản thân khỏi muỗi đốt bằng cách nào?
- Dùng thuốc xịt côn trùng
- Mặc quần áo dài tay, sáng màu
- Lắp đặt lưới chắn muỗi cửa sổ
- Mắc màn tẩm hóa chất diệt côn trùng khi ngủ
- Thuốc diệt côn trùng gia dụng, bình xịt muỗi, nhang muỗi hoặc các loại đèn bắt muỗi
Các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết hữu hiệu là gì?
Diệt muỗi và phòng muỗi đốt một trong những tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết chính. Bạn có thể thực các biện pháp diệt muỗi hiệu quả dưới đây:
- Ngăn ngừa muỗi sinh sản
- Vệ sinh các dụng cụ chứa nước nhỏ thường xuyên
- Phòng muỗi đốt
- Phòng lây lan dịch từ người bệnh
*Tham vấn y khoa: Ts. Bs. Nguyễn Khắc Lương Quang